Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng Nông thôn mới bản sắc miền cực Bắc: Kỳ 1: Xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu...

BHG - Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, địa đầu Tổ quốc, điều kiện KT - XH thấp so với mặt bằng chung các tỉnh miền núi phía Bắc. Vậy làm thế nào để xây dựng Nông thôn mới (NTM) bền vững, bộ mặt nông thôn thực sự đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Đúc rút kinh nghiệm thực tiễn sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, Hà Giang đang có những mô hình, cách làm mang bản sắc riêng. 3 năm trở lại đây, huyện Quản Bạ tập trung xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu (KDCKM). Đây giống như mô hình thu nhỏ của thôn, xã NTM, được huyện coi là tiêu chí số 20 trong xây dựng NTM của các xã. Thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện xây dựng NTM ở địa phương, đổi thay bức tranh nông thôn từ các nhóm hộ.



Xây dựng Nông thôn mới bản sắc miền cực Bắc: Kỳ 1: Xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu

BHG - Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, địa đầu Tổ quốc, điều kiện KT - XH thấp so với mặt bằng chung các tỉnh miền núi phía Bắc. Vậy làm thế nào để xây dựng Nông thôn mới (NTM) bền vững, bộ mặt nông thôn thực sự đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Đúc rút kinh nghiệm thực tiễn sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, Hà Giang đang có những mô hình, cách làm mang bản sắc riêng.

3 năm trở lại đây, huyện Quản Bạ tập trung xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu (KDCKM). Đây giống như mô hình thu nhỏ của thôn, xã NTM, được huyện coi là tiêu chí số 20 trong xây dựng NTM của các xã. Thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện xây dựng NTM ở địa phương, đổi thay bức tranh nông thôn từ các nhóm hộ.

Cổng chào và tường xếp đá theo bản sắc văn hóa dân tộc Mông ở Khu dân cư kiểu mẫu Séo Lủng 1, xã Thái An (Quản Bạ).
Cổng chào và tường xếp đá theo bản sắc văn hóa dân tộc Mông ở Khu dân cư kiểu mẫu Séo Lủng 1, xã Thái An (Quản Bạ).

KDCKM ở Quản Bạ là các khu dân cư có từ 5-10 hộ dân sống tập trung và đạt các tiêu chí như: Có cảnh quan đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, môi trường sinh thái trong lành, công tác vệ sinh môi trường đảm bảo, hạ tầng thiết yếu được sử dụng, cải tạo, nâng cấp đúng quy trình; nhà ở, vườn hộ, chuồng trại được quy hoạch, chỉnh trang, gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, sắp xếp hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; mô hình phát triển sản xuất và các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả rõ nét; trình độ dân trí ngày càng cao, văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, chất lượng gia đình văn hóa, thôn văn hóa được nâng lên, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên; Quy chế dân chủ cơ sở được phát huy, quốc phòng, an ninh trật tự nông thôn được bảo đảm; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường.

Là xã vùng 3, đặc biệt khó khăn với 99% dân số là đồng bào dân tộc Mông, nhưng Thái An là một trong những địa phương triển khai tích cực và có KDCKM nổi bật nhất của huyện Quản Bạ. Sau 3 năm triển khai, đến nay xã đã xây dựng được 3 KDCKM và đang tiếp tục lựa chọn khu dân cư thứ 4 để triển khai. Trong đó KDCKM tại thôn Séo Lủng 1 được đánh giá cao khi đảm bảo các tiêu chí và có điểm nhấn riêng khi xây dựng được cổng chào theo kiến trúc truyền thống và làm được 240 m tường xếp đá cao gần 1m, rộng 40 cm đúng bản sắc văn hóa của người Mông.

Với đồng bào dân tộc Mông ở các huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh, làm tường rào đá không chỉ là cách thức xây dựng khuôn viên gia đình, thôn xóm phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nơi “sống trên đá, chết nằm trong đá”, đó còn là tinh hoa nghệ thuật từ những đôi bàn tay khéo léo, là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy nhiên, với điều kiện KT – XH từng bước được nâng lên, vật liệu xây dựng (xi măng, gạch) dễ dàng tìm mua ở bất kỳ đâu và có thể vận chuyển đến chân công trình; trong khi việc thu gom, vận chuyển đá nhặt từ nương ngô truyền thống như trước đây về tới thôn, xóm gặp nhiều khó khăn, mất nhiều công sức, vì thế người dân dần chuyển sang xây dựng tường rào bằng gạch thay vì xếp đá. Những bức tường rào đá dần ít được làm mới, chủ yếu là những “di sản” cũ để lại.

Khu dân cư kiểu mẫu xóm Phố Lồ Phìn, thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ có cảnh quan xanh từ hàng rào cây Găng gai.
Khu dân cư kiểu mẫu xóm Phố Lồ Phìn, thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ có cảnh quan xanh từ hàng rào cây Găng gai.

Chính vì vậy, khi được xã lựa chọn xây dựng KDCKM số 3 tại thôn, ngoài các tiêu chí theo quy định trong nội khu dân cư, hơn 60 hộ dân thôn Séo Lủng 1 đã thống nhất đóng góp kinh phí, công sức xây dựng cổng chào và tường xếp đá theo kiến trúc truyền thống của dân tộc Mông dọc tuyến đường ở khu trung tâm thôn làm điểm nhấn trong thực hiện xây dựng KDCKM. Việc xây dựng tường xếp đá vừa trang trí tạo cảnh quan nông thôn sạch, đẹp, thu hút khách du lịch vừa để tuyên truyền bảo tồn văn hóa truyền thống cho bà con nhân dân. Điều này đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của các hộ dân trong thôn.

Trưởng thôn Séo Lủng 1, Ly Khái Hòa cho biết: Để làm được 240 m tường rào đá như hiện nay, cán bộ xã đã cùng các hộ dân đóng góp hơn 120 ngày công mới hoàn thành. Ngoài ra, để xây dựng KDCKM đáp ứng các tiêu chí, 7 hộ dân trong khu dân cư đã hiến đất, mở rộng và đổ bê tông tuyến đường vào các hộ dài 200 m, rộng 2 m; đóng góp tiền xây dựng cổng chào của khu dân cư; xây dựng nhà bếp ăn, nhà tắm và nhà tiêu kiên cố, đảm bảo vệ sinh môi trường; di chuyển, cải tạo chuồng trại chăn nuôi...

Dù có những tiêu chí chung trong thực hiện KDCKM nhưng mỗi xã, thôn và KDCKM ở Quản Bạ lại lựa chọn phương thức xây dựng cảnh quan nông thôn khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tiễn và khuôn viên nhà, hạ tầng giao thông hiện tại của mỗi nơi, cũng như văn hóa mỗi dân tộc. Đó cũng là những nét đặc trưng riêng trong xây dựng KDCKM nói riêng và xây dựng NTM ở Quản Bạ nói chung. Minh chứng như tại KDCKM xóm Phố Lồ Phìn, thôn Đầu Cầu 2, xã Cán Tỷ. Nơi đây cũng có 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông giống như thôn Séo Lủng 1, xã Thái An; thế nhưng xã, thôn xác định triển khai xây dựng bộ mặt cảnh quan trong khu dân cư với tường rào xanh trồng Găng gai và trụ cổng xây bằng đá. “Cách làm này phù hợp với hiện trạng nông thôn, mong muốn của bà con và không gian sống các gia đình”. Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, Sùng Mí De chia sẻ.

Xây dựng KDCKM được huyện Quản Bạ đặc biệt quan tâm, coi như tiêu chí thứ 20 trong xây dựng NTM. Đây cũng là chủ trương nhằm hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện. Vừa dễ làm, dễ triển khai, phù hợp với điều kiện thực tiễn, không cần đầu tư nhiều kinh phí, thu hút sự hưởng ứng của người dân, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trở thành hình mẫu cho các cụm dân cư trong thôn, xã học tập, làm theo...

Để tạo sự lan tỏa và nâng cao chất lượng xây dựng KDCKM, huyện Quản Bạ đã ban hành bộ tiêu chí (tạm thời); chỉ đạo mỗi xã, thị trấn lựa chọn 1 đến 2 khu dân cư có từ 5 hộ trở lên để tập trung triển khai thực hiện điểm, hỗ trợ mỗi khu dân cư thực hiện điểm 30 triệu đồng (5 triệu đồng/hộ), thực hiện các nội dung: Cải tạo, di chuyển chuồng trại; trồng hàng rào xanh quanh nhà; dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên nhà ở. Đến nay toàn huyện đã lựa chọn và xây dựng 41 KDCKM (28 khu đã triển khai trong giai đoạn 2021 – 2023 và đang hoàn thiện các tiêu chí; 13 khu mới được lựa chọn thực hiện trong năm 2024).

Đồng chí Phạm Ngọc Pha, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Qua nghiên cứu, tham quan học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố về xây dựng NTM. Nhận thấy điều kiện thực tiễn của địa phương có thể triển khai xây dựng các KDCKM theo nhóm hộ, huyện đã triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm sau đó phát động thực hiện rộng rãi ở các xã, thị trấn. Nhờ sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, việc triển khai xây dựng KDCKM đã mang lại hiệu quả rõ nét, thuyết phục; nhận thức của người dân và bộ mặt nông thôn trong khu dân cư được nâng lên rõ rệt; xây dựng được môi trường sáng - xanh - sạch đẹp, đời sống được cải thiện; nhân dân phấn khởi với cuộc sống mới, thêm tin tưởng, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước. Xây dựng KDCKM đã thay đổi diện mạo cho các làng bản, trở thành điểm nhấn và tạo nên bức tranh NTM đặc sắc của huyện.

---------------

Kỳ 2: “Đường xanh, nhà sạch, làng xóm gắn kết”

Bài, ảnh: DUY TUẤN