Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát huy giá trị tích hợp du lịch nông nghiệp, nông thôn để hình thành những miền quê hạnh phúc...

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động trong việc tổ chức chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trình cấp thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: Kế hoạch hoạt động cụ thể; văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình; tài liệu và tổ chức tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; phê duyệt danh sách mô hình du lịch điểm ở 20 tỉnh để các địa phương thực hiện; tổng hợp các mô hình tiêu biểu để giới thiệu đến các địa phương;... Bên cạnh đó, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đã có những tiêu chí dành cho các khu du lịch nông nghiệp hay những chương trình thúc đẩy du lịch qua trải nghiệm các sản phẩm OCOP...



Phát huy giá trị tích hợp du lịch nông nghiệp, nông thôn

để hình thành những miền quê hạnh phúc

 

Du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia, khẳng định hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Phát triển ngành du lịch với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện" vừa là định hướng, vừa là mục tiêu và  nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với ngành nông nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đặc trưng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Điều này đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Nhằm tiếp tục thống nhất quan điểm, định hướng và đồng hành cùng nhau để thực hiện các mục tiêu, nội dung, giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 01/6/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức buổi làm việc với chủ đề "Phát huy giá trị tích hợp du lịch nông nghiệp: Hai là một - Một của hai". Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng Điều phối NTM Trung ương; Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Cục Lâm nghiệp; Văn phòng Bộ; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp; Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; Báo Nông nghiệp Việt Nam); các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Văn phòng Bộ; Vụ Văn hóa dân tộc; Vụ Kế hoạch, Tài chính; Vụ Pháp chế; Thanh Tra Bộ, Cục Văn hóa cơ sở; Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch) và đại diện một số Hiệp hội du lịch, chuyên gia và tổ chức quốc tế.


Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Phòng OCDL).

Tại buổi làm việc, Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã báo cáo những kết quả mà hai Bộ đã thực hiện trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua, cụ thể:

- Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ động trong việc tổ chức chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trình cấp thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: Kế hoạch hoạt động cụ thể; văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình; tài liệu và tổ chức tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; phê duyệt danh sách mô hình du lịch điểm ở 20 tỉnh để các địa phương thực hiện; tổng hợp các mô hình tiêu biểu để giới thiệu đến các địa phương;... Bên cạnh đó, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đã có những tiêu chí dành cho các khu du lịch nông nghiệp hay những chương trình thúc đẩy du lịch qua trải nghiệm các sản phẩm OCOP...

Đồng thời, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề,... cũng đã được tích hợp trong các Kế hoạch của Bộ triển khai các Chương trình/Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,...

 

 

 

 

 

 

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương          trình bày báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh: Phòng OCDL).

 


- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực để hoàn thiện về quy hoạch du lịch quốc gia, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy hình thành các điểm đến, sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn cho doanh nghiệp lữ hành; hướng dẫn thực hiện công nhận khu, điểm du lịch nông thôn, công nhận cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; các hoạt động kết nối, xúc tiến du lịch quốc gia, khẳng định vai trò của du lịch phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh mới. Triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ công tác quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch nông thôn như: tổ chức, phối hợp tổ chức hội thảo thảo luận về cơ chế chính sách phát triển mô hình du lịch farmstay, hội thảo kinh doanh bất động sản du lịch nông nghiệp, nông thôn...

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trình bày báo cáo về tình hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: TITC

Bên cạnh những kết quả tích cực, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn như: Chất lượng dịch vụ còn hạn chế, thiếu các sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; nguồn nhân lực du lịch nông thôn ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng tổng thể cảnh quan các làng, bản, điểm du lịch nông thôn còn thiếu đồng bộ, khó hình thành các điểm du lịch nông nghiệp nông thôn mang đặc trưng bản sắc văn hóa vùng, miền;...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt nguồn từ chiều sâu của văn hóa bản địa, văn hóa cộng đồng làng xã, cùng với những thành tựu về nông nghiệp, nông thôn và quá trình xây dựng nông thôn mới tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng, của nhân dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp, nông thôn gắn liền với người nông dân là chủ thể chính. Do đó, trong thời gian tới, cần nhận thức sâu hơn và làm tốt hơn vai trò kiến tạo của nhà nước trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương, tạo thuận lợi về cơ chế chính sách cho du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, tạo ra giá trị mới cho du lịch và nông nghiệp.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng sức sống cộng đồng còn rất lớn, cần mở ra những miền giá trị mới, không gian giá trị mới cho nông thôn, mang lại lợi ích cho cộng đồng từ du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ hy vọng sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ mở ra một trang mới, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để làm tốt hơn nữa.

Bộ trưởng đã mượn thông điệp "Together we win" để kỳ vọng sự phối hợp giữa 02 Bộ không chỉ mang đến sự thành công cho 02 Bộ trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, mà du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ giúp gia tăng giá trị kinh tế trong nông nghiệp, đem lại lợi ích lớn hơn cho người nông dân.

 Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký kết Chương trình phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030. Chương trình nhằm mục đích tăng cường phối hợp giữa hai Bộ với tinh thần "Hai là một - Một của hai" để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai ngành nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về nông nghiệp, làng nghề, môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn và các giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng quà cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại buổi Lễ ký chương trình phối hợp (Ảnh: Phòng: OCDL).

Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương sẽ chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp giữa 02 Bộ, phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai những công việc cụ thể để từng bước nâng cao và tích hợp giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn, góp phần hình thành những miền quê hạnh phúc trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam./.

 

Phòng Quản lý mỗi xã một sản phẩm và Du lịch nông thôn