HUYỆN GIAO THUỶ (TỈNH NAM ĐỊNH)ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO NĂM 2023
Huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017 theo Quyết định số 405/QĐ-TTg ngày 16/4/2018. Tại thời điểm huyện đạt chuẩn NTM (năm 2017): Thu nhập bình quân đầu người đạt 38,52 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,29%; cơ cấu kinh tế với nông, lâm, thuỷ sản 36,68%, công nghiệp - xây dựng 19,97%, dịch vụ 43,35%. Đến năm 2023, cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch tích cực với nông, lâm, thủy sản giảm còn 31,55%, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ đều tăng lên (tương ứng là 40,67% và 27,78%). Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của 20/20 xã NTM đạt 83,84 triệu đồng/người (trong đó, thu nhập bình quân đầu người của 13 xã NTM nâng cao đạt 84,12 triệu đồng/người); tỷ lệ nghèo đa chiều của 20/20 xã NTM giảm còn 0,76%.
Từ một huyện thuần nông, kinh tế phát triển chậm, với khát vọng vươn lên, đến nay kinh tế của huyện có tốc độ triển khá cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ liên tục tăng, tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp giảm dần qua các năm. Các công trình hạ tầng thiết yếu đã được quan tâm đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, khang trang: 100% đường huyện, đường trục xã, đường trục xóm đã được nhựa hoá, bê tông hoá; 100% số trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% số nhà văn hóa xã và xóm đảm bảo theo quy định và phục vụ tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn; 94% số hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung; công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đảm bảo các quy định về môi trường. Cảnh quan môi trường trên địa bàn huyện khá sạch sẽ, một số tuyến đường được lắp đặt điện chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh… tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp hơn.
Huyện đã tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung và mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế nông thôn, điển hình như: Vùng nuôi tôm tập trung (tại các xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Phong, Bạch Long...), với 558 hộ dân tham gia, diện tích 2.109 ha, sản lượng 3.316 tấn (tăng gấp 1,49 lần so với năm 2017, thời điểm huyện đạt chuẩn NTM), doanh thu 700 tỷ đồng; vùng nuôi ngao tập trung (tại các xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải, Giao Long), với 217 hộ dân tham gia, diện tích 1.822 ha, sản lượng 38.701 tấn (gấp 1,55 lần so với năm 2017, thời điểm huyện đạt chuẩn NTM), doanh thu 500 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và được giám sát định kỳ đảm bảo an toàn thực phẩm…; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao và nuôi ngao sạch tại xã Giao An, diện tích 50 ha (nuôi ngao 30 ha, nuôi tôm 20 ha), sản lượng bình quân 200 tấn tôm và 1.200 tấn ngao/năm, doanh thu từ 70-80 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 4-5 tỷ đồng/năm; mô hình sản xuất cá giống và nuôi cá nước ngọt thương phẩm tại xã Giao Thịnh, diện tích 2,7 ha, bình quân hàng năm sản xuất được 5 triệu con cá giống nước ngọt các loại và 60 tấn cá thương phẩm (chủ yếu là cá trắm, cá rô phi, cá chép, cá lăng…), cá thương phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm… Giá trị sản xuất trồng trọt bình quân đạt trên 138 triệu đồng/ha; có nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả; 105 sản phẩm OCOP đã được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên (trong đó có 09 sản phẩm đạt 4 sao).
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng để thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn; hướng tới sớm trở thành 1 trong 4 cực phát triển mới của tỉnh./.
PHÒNG NGHIỆP VỤ