Skip Ribbon Commands
Skip to main content

HỘI THẢO GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI



 

HỘI THẢO GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

 

Ngày 17 tháng 9 năm 2024, Tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới. Tham dự buổi Hội thảo, có các đại biểu đến từ Chi cục Phát triển nông thôn của một số tỉnh thành phố trong cả nước, đại điện một số Hội, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và một số tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, đại điện một số làng nghề, đại điện Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc, một số Viện, Trường đào tạo thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

  

Đại biểu Trung ương và các địa phương tham dự Hội Thảo

Nội dung Hội thảo tập trung giới thiệu về các chủ trương, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với các chính sách xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp thảo gỡ khó khăn, vướng mắc và định hương phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề; Thảo luận, trao đổi tìm kiếm các giải pháp phát triển ngành nghề nông thôn phục vụ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó có phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tại Hội thảo Phòng Quản lý Mỗi xã một sản phẩm và Du lịch Nông thôn, Văn phòng Nông thôn mới Trung ương đã trình bày tham luận về Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, dựa trên thế mạnh, đặc sắc của mỗi địa phương. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương trong thời gian qua phát triển khá đa dạng, một số mô hình thành công đã minh chứng được sự phù hợp và tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn Việt Nam.

Nhiều địa phương trong cả nước khai thác các thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, hoạt động sản xuất canh tác nông nghiệp, đặc sản địa phương, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực… hình thành các sản phẩm dịch vụ du lịch có tính đặc thù, chuyên biệt cao. Hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch thôn được đầu tư nâng cấp để phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm, lưu trú… của du khách. Một số hoạt động du lịch nông nghiệp được đẩy mạnh khai thác kết hợp với các loại hình du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái, làng nghề… trong đó đặc biệt phát triển mạnh ở khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên…  

Bên cạnh những hoạt động du lịch do người dân cung cấp, nhiều dự án du lịch được đầu tư trên cơ sở khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa cộng đồng, sinh thái nông nghiệp của khu vực nông thôn, cung cấp những sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có thương hiệu để phục vụ khách du lịch như các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cung cấp dịch vụ giáo dục, trải nghiệm… Các hoạt động này tập trung chủ yếu ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, gần với các điểm du lịch có khả năng thu hút khách như Sa Pa - Lào Cai; Phù Luông -Thanh Hoá; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bảo Lộc, Đà Lạt - Lâm Đồng; Sơn Tây, Ba Vì, Đông Anh - Hà Nội; Kỳ Sơn, Mai Châu - Hòa Bình; Ninh Bình… có khoảng cách không quá xa, giao thông thuận lợi với các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng với các phân khúc khác nhau của thị trường, thúc đẩy thu hút khách về nông thôn, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn.

Theo kết quả báo cáo từ các địa phương, hiện nay cả nước có khoảng hơn 584 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, tập trung nhiều ở khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện tại cả nước có 488/1.731 khu, điểm du lịch đã được UBND cấp tỉnh công nhận, trong đó 382 điểm du lịch (chiếm khoảng 80%) nằm trên địa bàn nông thôn với: 11,3% các điểm du lịch nông nghiệp, làng nghề; 21,2% điểm du lịch cộng đồng; 21,7% điểm du lịch sinh thái, còn lại là di tích lịch sử, thăm quan, lưu trú và thương mại dịch vụ.

Các địa phương đã xác định rõ tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã thành công và có sự lan tỏa, góp phần hình thành các điểm đến ở các địa phương như: Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng - Hà Giang; Điểm du lịch cộng đồng Hello Mù Cang Chải - Yên Bái; Du lịch văn hóa dân tộc tày bản làng Thái Hải - Thái Nguyên; Dịch vụ Homestay Bản Lác - Hòa Bình; Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa - Ninh Thuận; Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu - Kon Tum; Hội quán cùng nhau làm du lịch gắn với hoa Sa Đéc - Đồng Tháp; Điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Bạc Liêu...

Ngoài ra, sau hơn 6 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), đến nay, cả nước đã có hơn 111 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Thực tế cho thấy, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là một hướng đi hiệu quả cho phát triển du lịch nông thôn, đặc biệt là Bộ tiêu chí về Dịch vụ du lịch cộng đồng và Điểm du lịch đã có nhiều định hướng gắn với xây dựng nông thôn mới như: cơ sở hạ tầng, môi trường, văn hóa, tổ chức cộng đồng…

 

                                              Đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo phiên tham luận tại Hội thảo, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương khẳng định: Phát triển ngành nghề nông thôn là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo để thực hiện các tiêu chí, nhất là tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để thực hiện Chương trình tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã đồng thời ký ban hành 06 chương trình chuyên đề để hỗ trợ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, lần đầu tiên du lịch nông thôn trở thành một Chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên địa bàn cả nước gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với Chương trình OCOP, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM (Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ) là một trong hai chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Do đó, phát triển du lịch cộng đồng nông thôn là một hướng đi mới, giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời theo đúng định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa ngành, đa giá trị.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương là cơ quan được giao chủ trì tham mưu, điều phối, tổng hợp sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các địa phương để tham mưu, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung, các chuyên đề nói riêng trong đó có chuyên đề Du lịch nông thôn để thực hiện tốt hơn nữa phục vụ xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trên toàn quốc./.

 

                                              Phòng Quản lý OCOP và Du lịch nông thôn