HỘI NGHỊ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị
Trải qua hơn 14 năm xây dựng nông thôn mới, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đến hết tháng 10/2024, cả vùng có 1.111/1.380 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 80,5% số xã, cả nước là 77,5%, đứng thứ tư trong cả nước) và bình quân mỗi xã đạt 17,6 tiêu chí (cả nước là 17,3 tiêu chí/xã). Toàn vùng có 304 xã NTM nâng cao, đạt 22% (cả nước là 27%); 61 xã NTM kiểu mẫu, đạt 4,4% (cả nước là 5,7%); có 40 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc xây dựng nông thôn mới các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đang gặp phải nhiều khó khăn thử thách, như: Chất lượng đào đạo cho lao động nông thôn chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp công nghệ cao và thị trường lao động hiện tại; Lao động trẻ rời nông thôn đên các khu đô thị để tìm việc làm dẫn đến sự thiếu hụt lao động tại các vùng nông thôn; Nhiều trung tâm đào tạo nghề thiếu trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giảng viên trình độ cao; Cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới tại các sở, ngành và các huyện thường là các cán bộ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thường xuyên có sự thay đổi về vị trí công tác, nên các kiến thức được trang bị thiếu tính liên tục; Tỷ lệ sinh viên đăng ký theo học tại các trường liên quan đến nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thấp (chiếm dưới 2% tổng số sinh viên nhập học trên cả nước mỗi năm).
Hội nghị phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
Hội nghị đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới của vùng và cả nước. Một số giải pháp đề xuất như: Các địa phương cần tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao nghiệp vụ xây dựng nông thôn mới, chuyển đào tạo từ chiều rộng sang chiều sâu, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ và người dân thực sự giỏi về chuyên môn, biết vận dụng và khai thác có hiệu quả nguồn lực của địa phương để thực hiện Chương trình nông thôn mới; Xây dựng các chính sách tăng cường đầu tư cho giáo dục, có chính sách đặt hàng đào tạo đối với những ngành nghề truyền thống thiết yếu và khó tuyển sinh như các ngành nông, lâm, thủy sản; Tuyên truyền nâng cao nhận thức của giới trẻ về vai trò của ngành nông, lâm, thủy sản trong phát triển kinh tế và tạo động lực thu hút giới trẻ tham gia vào lĩnh vực này./.