ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, ngày 23/7/2024, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức đoàn khảo sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 925) tại tỉnh Bình Định. Tham gia đoàn khảo sát có đồng chí Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đại diện Cục Thuỷ lợi và đại diện các đơn vị chuyên môn thuộc Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.
Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế và làm việc với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bình Định, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định và các đơn vị có liên quan, Đoàn công tác ghi nhận một số kết quả tỉnh Bình Định đã đạt được trong triển khai thực hiện Chương trình 925, như đã ban hành được một số đề án, kế hoạch về bảo vệ môi trường nông thôn; đã hoàn thiện, đánh giá hiệu quả và có giải pháp nhân rộng một số mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả (mô hình người dân tự phân loại chất thải và xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình; mô hình thu gom xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; mô hình xử lý phân gà sử dụng máy ép tạo viên nén, có thể xử lý phân gà trong 24 giờ không gây mùi và ô nhiễm môi trường; mô hình thu gom rác thải trên kênh mương bằng biện pháp đặt lưới chắn rác trên kênh). Bên cạnh đó, tỉnh còn một số khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình 925 như việc huy động nguồn lực xã hội hoá trong cấp nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn còn hạn chế; việc duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn hiệu quả còn nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả như mong muốn; việc đánh giá, tính toán khối lượng, tỉ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý, cần được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể và thống nhất thực hiện...
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình 925, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định cần quan tâm xây dựng và ban hành kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình 925 trên địa bàn tỉnh Bình Định; tổ chức rà soát, tổng kết, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn hiệu quả trên địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhân thức cộng đồng và tập huấn về bảo vệ môi trường nông thôn./.