Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chương trình OCOP góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản

BHG - Triển khai chương trình OCOP từ cuối năm 2018 đến nay, huyện Đồng Văn đã xây dựng được nhiều sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của miền đá như mật ong, ớt gió, vải lanh… Thông qua chương trình OCOP đã góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản của mảnh đất biên cương cực Bắc Tổ quốc. Bắt đầu triển khai chương trình OCOP từ cuối năm 2018 và có 7 sản phẩm được đánh giá vào năm 2019. Đến nay, huyện Đồng Văn rà soát và đưa vào chương trình các sản phẩm chủ lực, thế mạnh như: Mật ong hoa Bạc hà, sản phẩm từ hạt Tam giác mạch, quả lê, ớt gió, vải lanh, đậu xị, chè Shan tuyết Lũng Phìn, gạo Khẩu Mang; thịt bò, thịt lợn đen, thịt gà đen và 1 sản phẩm du lịch cộng đồng. Huyện đã có 21 sản phẩm, lượt sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao.


Mật ong Bạc hà Đồng Văn Ngọc Trang - sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: MY LY

Chương trình OCOP góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản

BHG - Triển khai chương trình OCOP từ cuối năm 2018 đến nay, huyện Đồng Văn đã xây dựng được nhiều sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của miền đá như mật ong, ớt gió, vải lanh… Thông qua chương trình OCOP đã góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản của mảnh đất biên cương cực Bắc Tổ quốc.

Bắt đầu triển khai chương trình OCOP từ cuối năm 2018 và có 7 sản phẩm được đánh giá vào năm 2019. Đến nay, huyện Đồng Văn rà soát và đưa vào chương trình các sản phẩm chủ lực, thế mạnh như: Mật ong hoa Bạc hà, sản phẩm từ hạt Tam giác mạch, quả lê, ớt gió, vải lanh, đậu xị, chè Shan tuyết Lũng Phìn, gạo Khẩu Mang; thịt bò, thịt lợn đen, thịt gà đen và 1 sản phẩm du lịch cộng đồng. Huyện đã có 21 sản phẩm, lượt sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao.

Mật ong Bạc hà Đồng Văn Ngọc Trang - sản phẩm OCOP 3 sao.
Mật ong Bạc hà Đồng Văn Ngọc Trang - sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: MY LY

Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, những năm qua, huyện Đồng Văn đã bố trí kinh phí hỗ trợ, hoàn thiện bao bì, nhãn mác đối với sản phẩm đã được chứng nhận OCOP như: Gắn logo OCOP và thứ hạng sao; gắn logo đối tác Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; duy trì mở rộng quy mô liên kết sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường; tích cực, chủ động tham gia phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại. Các ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức, tạo điều kiện để trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các hội nghị, sự kiện lớn của tỉnh, huyện; trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại các điểm dừng chân, điểm tham quan phục vụ khách du lịch. Các chủ thể OCOP cũng thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm tại các tỉnh trong nước và quốc tế. Phối hợp đăng ký và đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang như https://dacsanhagiang.net, tại phiên chợ khuyến nông, trên trang thông tin điện tử của huyện. Đến nay, các sản phẩm OCOP của huyện còn đạt nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi như: 2 sản phẩm OCOP mật ong đạt giải Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022; giải thưởng Sản phẩm nổi tiếng quốc gia; giải thưởng Thương hiệu vàng - logo, slogan ấn tượng năm 2023.

Sản phẩm Ocop của Hợp tác xã Po Mỷ (Đồng Văn).   Ảnh: CTV
Sản phẩm Ocop của Hợp tác xã Po Mỷ (Đồng Văn). Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, để người dân hiểu và tham gia chương trình, ngành chuyên môn của huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức hội nghị các cấp, tuyên truyền tại các buổi họp thôn, họp chợ, phát sóng qua đài FM để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, mục tiêu của chương trình. Sản phẩm OCOP đã và đang góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng doanh thu. Doanh thu từ các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện năm 2019 đạt 1,3 tỷ đồng, đến năm 2023 đạt 7,1 tỷ đồng. Không những vậy, chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh liên kết, nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các hộ dân, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Giá trị sản phẩm OCOP bình quân tăng 1,5-2 lần so với trước khi được chứng nhận; trực tiếp tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2-3%/năm…

Đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Chương trình OCOP là một chương trình chủ lực trong phát triển KT-XH của địa phương. Huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, tập trung chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; duy trì đảm bảo chất lượng, số lượng đối với các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận. Không ngừng nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm hiện có và tập trung nguồn lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, HTX tham gia vào chương trình. Đặc biệt, khuyến khích các cá nhân, tập thể xây dựng các tour, tuyến du lịch khám phá gắn với trải nghiệm cách làm các sản phẩm OCOP cũng như các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tích cực các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP. Từng bước đưa những sản phẩm tiêu biểu của địa phương vươn xa hơn.

 MY LY