Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng Nông thôn mới bản sắc miền cực Bắc: Kỳ cuối: Lấy du lịch là nền tảng, nông thôn...

BHG - Không chỉ thực hiện mục tiêu xây dựng các xã Nông thôn mới (NTM), huyện NTM theo chủ trương, lộ trình chung của Đảng, Chính phủ. Hà Giang tập trung xây dựng NTM mang bản sắc riêng, thay đổi quan điểm, góc nhìn về xây dựng NTM trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp và của cán bộ, đảng viên, nhân dân: Xây dựng NTM phải phù hợp với thực tiễn, đem lại sự hài lòng, việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn. Ngoài những kết quả chung trong xây dựng xã NTM, huyện NTM, Hà Giang có những mô hình xây dựng NTM mang bản sắc riêng và từng bước được định hình như mô hình xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu – xây dựng NTM đến từng nhóm hộ ở Quản Bạ; mô hình xây dựng tuyến đường NTM kiểu mẫu, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp ở Vị Xuyên. Mô hình xây dựng thôn NTM gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc và phát triển du lịch dịch vụ trên Cao nguyên đá và thành phố Hà Giang như: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn); Làng Mông xã Pả Vi (Mèo Vạc); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Cốc Pảng, xã Du Già (Yên Minh); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); Làng Văn hóa du lịch thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình)... Đây là những điểm nhấn trong xây dựng thôn NTM mang bản sắc riêng của Hà Giang, vừa dễ triển khai, vừa tốn ít chi phí đầu tư của nhà nước, đặc biệt là huy động được nội lực, sự hưởng ứng của trong nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, gắn với chủ trương gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc và phát triển du lịch của tỉnh.


Bảo tồn kiến trúc truyền thống của người Lô Lô để phát triển du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Xây dựng Nông thôn mới bản sắc miền cực Bắc: Kỳ cuối: Lấy du lịch là nền tảng, nông thôn là điểm nhấn

BHG - Không chỉ thực hiện mục tiêu xây dựng các xã Nông thôn mới (NTM), huyện NTM theo chủ trương, lộ trình chung của Đảng, Chính phủ. Hà Giang tập trung xây dựng NTM mang bản sắc riêng, thay đổi quan điểm, góc nhìn về xây dựng NTM trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp và của cán bộ, đảng viên, nhân dân: Xây dựng NTM phải phù hợp với thực tiễn, đem lại sự hài lòng, việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn.

Nông thôn đổi thay...

Có thể khẳng định, từ một địa phương miền núi, biên giới, đặc biệt khó khăn nơi cực Bắc Tổ quốc; hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường rất thiếu thốn, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ đạt 9,6 triệu đồng/người/năm... Đến nay, sau 13 năm thực hiện xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 51 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; toàn tỉnh có 66/175 xã đạt tiêu chí Giao thông; 91% số xã đạt tiêu chí Hệ thống thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 123/175 xã đạt tiêu chí Điện; 93/175 xã (53%) đạt tiêu chí Trường học; 140/175 xã hoàn thành tiêu chí Y tế; 108/175 xã đạt tiêu chí Nhà ở dân cư...

Nông thôn đổi thay ở xã Tùng Bá (Vị Xuyên).
Nông thôn đổi thay ở xã Tùng Bá (Vị Xuyên).

Ngoài những tiêu chí trên, kết quả giảm nghèo đa chiều, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân hàng năm (GRDP) của tỉnh trong những năm qua là minh chứng rõ nhất cho sự đổi thay của miền quê cực Bắc. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Hà Giang còn 42,74%, giảm trên 13.000 hộ nghèo, tương đương giảm 7,21% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 3,7 lần so với năm 2010. Chỉ tính trong giai đoạn 2015 đến nay, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt gần 7%/năm, nằm trong nhóm trung bình khá của cả nước và trong nhóm khá của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc.

... nhưng chưa bền vững

Dù có những kết quả tích cực và nổi bật nhưng thẳng thắn nhìn nhận xây dựng NTM ở nơi địa đầu Tổ quốc chưa thực sự bền vững. Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng NTM của tỉnh đã chỉ rõ: “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Hà Giang còn bộc lộ nhiều hạn chế như số xã đạt chuẩn NTM còn thấp, tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM ít hơn so với bình quân chung của cả nước. Chất lượng các xã đạt chuẩn NTM còn hạn chế, một số tiêu chí khi công nhận còn ở mức đạt chưa bền vững, nhất là tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, giải quyết việc làm. Sự quan tâm đầu tư nguồn lực vào các xã sau đạt chuẩn chưa nhiều dẫn đến các xã sau đạt chuẩn NTM có xu hướng giảm tiêu chí”.

Thực tế đã chứng minh, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thu hồi Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM của xã Mậu Duệ (Yên Minh) do không còn đạt đủ 19/19 tiêu chí NTM. Đây là xã đầu tiên của tỉnh bị thu hồi Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, sau 3 năm bị tước Bằng công nhận, đến nay Mậu Duệ vẫn chưa thể hoàn thành 19/19 tiêu chí để công nhận lại đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, theo tổng hợp của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh, tính đến cuối tháng 3.2024, toàn tỉnh chỉ có 42/175 xã đạt tiêu chí Thu nhập và 32/175 xã đạt tiêu chí nghèo đa chiều. Như vậy còn 19/51 xã được công nhận đạt chuẩn NTM hiện chưa duy trì được tiêu chí nghèo đa chiều; 9/51 xã đã đạt chuẩn chưa duy trì được tiêu chí Thu nhập so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong khi đây là 2 tiêu chí quan trọng nhất, quyết định tính bền vững trong xây dựng NTM.

Xây dựng nông thôn bản sắc

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết số 28 của BCH Đảng bộ tỉnh ngày 25.7.2022 về lãnh đạo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh đều thống nhất quan điểm chỉ đạo: “... Phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Tiếp tục xây dựng NTM bền vững, bản sắc, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, môi trường sống của người dân và phù hợp với điều kiện thực tế. Ngoài việc xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM, Hà Giang tập trung xây dựng thôn đạt chuẩn NTM theo tiêu chí của tỉnh để phù hợp với điều kiện thực hiện, lồng ghép nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp...”.

Bảo tồn kiến trúc truyền thống của người Lô Lô để phát triển du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải xã Lũng Cú (Đồng Văn).
Bảo tồn kiến trúc truyền thống của người Lô Lô để phát triển du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Một trong những mục tiêu quan trọng được tỉnh xác định trong xây dựng NTM là: “Xây dựng hạ tầng KT – XH nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.

Với những quan điểm, mục tiêu trên, trong 4 năm gần đây, ngoài những kết quả chung trong xây dựng xã NTM, huyện NTM, Hà Giang có những mô hình xây dựng NTM mang bản sắc riêng và từng bước được định hình như mô hình xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu – xây dựng NTM đến từng nhóm hộ ở Quản Bạ; mô hình xây dựng tuyến đường NTM kiểu mẫu, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp ở Vị Xuyên. Mô hình xây dựng thôn NTM gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc và phát triển du lịch dịch vụ trên Cao nguyên đá và thành phố Hà Giang như: Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn); Làng Mông xã Pả Vi (Mèo Vạc); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Cốc Pảng, xã Du Già (Yên Minh); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); Làng Văn hóa du lịch thôn Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình)... Đây là những điểm nhấn trong xây dựng thôn NTM mang bản sắc riêng của Hà Giang, vừa dễ triển khai, vừa tốn ít chi phí đầu tư của nhà nước, đặc biệt là huy động được nội lực, sự hưởng ứng của trong nhân dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, gắn với chủ trương gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc và phát triển du lịch của tỉnh.

Chủ tịch UBND xã Lũng Cú (Đồng Văn) Ma Doãn Khánh cho biết: Khai thác lợi thế xã nằm nơi biên giới địa đầu Tổ quốc, có Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, có đồng bào dân tộc Lô Lô, một trong 5 dân tộc thiểu số rất ít người với những nét văn hóa đặc sắc còn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Hàng năm, xã có hàng triệu lượt khách du lịch tới tham quan Cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Vì vậy, thực hiện định hướng của tỉnh về tập trung xây dựng các thôn NTM gắn với phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, xã đã lựa chọn một số thôn như Lô Lô Chải (thôn người Lô Lô), Thèn Pả (thôn người Mông) ưu tiên nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí NTM đồng thời gắn với phát triển thành làng văn hóa du lịch cộng đồng để đón khách tham quan, lưu trú, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.

Từ định hướng và những cách thức triển khai bài bản, khoa học, xã Lũng Cú đã gìn giữ, bảo tồn được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Lô Lô như kiến trúc, trang phục, văn hóa văn nghệ dân gian. “Thôn Lô Lô Chải” trở thành từ khóa tìm kiếm cho 1.180.000 kết quả trên ứng dụng google. Nơi đây đã trở thành Làng Văn hóa du lịch cộng đồng với 42/119 hộ dân làm dịch vụ homestay lưu trú và nhiều hộ mở dịch vụ kinh doanh ẩm thực địa phương. Giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động; là điểm đến thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế với gần 1 triệu lượt khách tới tham quan, lưu trú mỗi năm. Từ một thôn khó khăn, thôn Lô Lô Chải đã đạt chuẩn NTM với mức thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn trên 14,4%.

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, địa đầu Tổ quốc. Hiện tỉnh còn 7/11 huyện, thành phố là huyện nghèo đặc biệt khó khăn (huyện 30a); 124/175 xã nghèo đặc biệt khó khăn (xã vùng 3). Hàng năm, nguồn thu ngân sách địa phương chỉ đạt trên 2.000 tỷ đồng (năm 2023 thu đạt 2.295 tỷ), trong khi chi ngân sách địa phương gấp khoảng 10 lần với 90% do T.Ư hỗ trợ. Vì vậy, nguồn lực dành cho xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn.

Theo kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, tổng nhu cầu kinh phí cho xây dựng NTM của tỉnh là khoảng 8.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực đầu tư, tháng 2.2024 UBND tỉnh đã điều chỉnh giảm các chỉ tiêu và nhu cầu kinh phí cho cả giai đoạn là trên 5.029 tỷ đồng để hoàn thành 2 huyện NTM, duy trì và nâng cao chất lượng các xã đã đạt chuẩn, công nhận thêm 20 xã đạt chuẩn NTM, thực hiện 1 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu, xây dựng thêm 113 thôn đạt chuẩn NTM, 100% các thôn biên giới có điện, đường giao thông nông thôn... Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay toàn tỉnh mới huy động được gần 2.050 tỷ đồng cho các mục tiêu xây dựng NTM, số kinh phí còn thiếu so với nhu cầu khoảng trên 2.980 tỷ đồng.

Từ điều kiện thực tiễn trên, có thể thấy những quan điểm, định hướng xây dựng NTM của tỉnh tập trung hướng về nhân dân phát huy quyền làm chủ của người dân; xây dựng NTM bền vững, bản sắc và phù hợp với điều kiện thực tế; tập trung xây dựng thôn đạt chuẩn NTM để phù hợp với nguồn lực thực hiện, phát huy sức mạnh tổng hợp... là đúng và trúng, với những kết quả đã được minh chứng.

Đồng chí Trần Nhật Lam, Phó Chánh văn phòng NTM T.Ư đánh giá: Dù là tỉnh có điều kiện KT – XH khó khăn nhưng Hà Giang biết cách triển khai xây dựng NTM với nhiều nét sáng tạo, gắn với điều kiện của tỉnh; khai thác được đặc thù đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc để thúc đẩy phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân; triển khai xây dựng NTM đồng đều từ cấp xã, đến thôn với nhiều hình thức khác nhau nhưng cùng hướng tới các mục tiêu xây dựng NTM. Những mô hình như thôn NTM gắn với du lịch cộng đồng ở Hà Giang giống như Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm hay xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu... là điểm nhấn, dấu ấu của Hà Giang. Đây cũng là kinh nghiệm quý để T.Ư nghiên cứu tiến tới hình thành mô hình về “Du lịch nông nghiệp, nông thôn” trong xây dựng NTM theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để nhân rộng trong các địa phương trên toàn quốc trong giai đoạn tới với quan điểm lấy du lịch là nền tảng, nông thôn là điểm nhấn.

Bài, ảnh: DUY TUẤN