TÁC PHẨM DỰ THI VIẾT VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI:
Những trăn trở phía sau danh hiệu nông thôn mới (Bài 1)
TUẤN LINH - HOÀNG SA 09:46, 25/07/2024
(Bài 1: Hai xã cuối cùng của Lâm Đồng chuẩn bị về đích nông thôn mới
Hai xã cuối cùng của Lâm Đồng chưa đạt chuẩn nông thôn mới đang phấn đấu "cán đích" vào tháng 9/2024 tới đây, đó là xã Đạ Long và Liêng S'rônh (huyện Đam Rông), mặc dù các tiêu chí hoàn thành của hai xã này được xây dựng từ việc "ước đạt" đến cuối năm nay.
|
Đến thời điểm hiện tại, huyện Đam Rông đã có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới |
Rất khó để xem Đạ Long là một xã nông thôn mới, kể cả vào thời điểm khi xã dự kiến được công nhận. Cứu cánh duy nhất cho xã để thay đổi hai tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo đa chiều từ đây đến cuối năm chính cây dâu - con tằm với diện tích và quy mô nhỏ lẻ và đang ở giai đoạn bắt đầu triển khai, khuyến khích nhân rộng.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Đạ Long, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích kém hiệu quả, dưới 50 triệu đồng/ha/năm, sang trồng các loại cây khác.
Qua 3 năm, từ năm 2021 - 2023, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất ven sông, suối sang trồng dâu nuôi tằm, một số diện tích đất trồng cây cà phê đã được trồng xen cây ăn trái. Cây ăn trái phát triển mạnh từ 114 ha (chủ yếu là trồng xen với cây cà phê) tăng lên 175,5 ha; trong đó, cây sầu riêng có 38,5 ha.
Cùng với cây ăn trái, người dân Đạ Long cũng đã chuyển đổi tăng diện tích trồng dâu nuôi tằm thương phẩm từ 11,1 ha/36 hộ (năm 2021) tăng lên 41,4 ha/80 hộ (năm 2023).
|
Trong những năm gần đây, một số hộ đồng bào DTTS tại xã Đạ Long đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ăn trái, nhất là sầu riêng |
Có một điểm đáng lưu ý, từ 2021 đến 2023, diện tích dâu tằm của xã chỉ tăng được trên 30 ha, cùng với một diện tích nhỏ cây sầu riêng nên sự chuyển đổi cây trồng tại đây chưa tương xứng với 1.200 ha đất sản xuất nông nghiệp hiện có.
Mô hình trồng sầu riêng xen với cà phê của gia đình ông Ka Son Ha Đông tại Thôn 1, xã Đạ Long là một điểm sáng hiếm hoi của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong sản xuất nông nghiệp tại xã Đạ Long. Gần 8 năm trước, ông Ka Son Ha Đông bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm cây sầu riêng với hơn 50 gốc loại giống Ri6. Đến thời điểm hiện tại, trên diện tích 4 ha, ngoài cây cà phê, gia đình ông đã có trên 600 gốc sầu riêng các loại.
|
Mô hình trồng dâu nuôi tằm ngày càng được nhiều hộ dân xã Đạ Long thực hiện, góp phần mang lại thu nhập đáng kể cho người dân |
Những năm trước đó, sản lượng thu hoạch không đáng kể do ông chưa biết áp dụng kỹ thuật vào việc chăm sóc loại cây trồng cho giá trị cao này. Năm nay là mùa bội thu nhất của gia đình ông, 100 gốc sầu riêng Ri6 với sản lượng ước chừng 7 tấn, được thương lái thu mua ở mức 50.000 đồng/kg, gia đình ông có nguồn thu nhập lên đến 350 triệu đồng. Sau đó, khoảng 20 ngày, hơn 100 gốc sầu riêng giống Thái Lan của ông cũng cho thu hoạch với sản lượng chừng 10 tấn, giúp ông có thêm 600 triệu đồng.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công như ông Ka Son Ha Đông là trường hợp duy nhất thuộc hộ đồng bào DTTS đầu tư quy mô với diện tích lớn, còn lại đại đa số hộ nghèo, nhất là đồng bào DTTS ở xã Đạ Long khó có khả năng làm được. Nhẩm tính, trong số 40 ha sầu riêng hiện có của xã thì đã có tới 98% diện tích là của các hộ dân người Kinh đầu tư, ngoại trừ ông Ka Son Ha Đông.
|
Tận dụng lợi thế về nguồn nước lạnh, một số hộ dân xã Liêng S'rônh đã thực hiện việc nuôi cá tầm, mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Lý giải về điều này, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long Lơ Mu Ha Póh cho biết: Thực tế tại địa phương, tư duy và thói quen canh tác truyền thống vẫn còn in hằn trong tâm trí người dân, nhất là người đồng bào DTTS. Cùng với đó, một bộ phận người dân chưa mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cây trồng cho năng suất và giá trị hơn vì xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí không đồng đều, một số phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại.
Để giúp người dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã phát triển kinh tế, trong nhiều năm qua, không chỉ riêng xã Đạ Long, rất nhiều chương trình, dự án từ các nguồn vốn khác nhau đã được huyện Đam Rông đưa về cho người người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện sản xuất theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn quen với tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên các chương trình, dự án hỗ trợ chưa phát huy được hiệu quả.
Dù trồng dâu, nuôi tằm đang đem lại tín hiệu khả quan cho người dân bởi trong thời gian gần đây, tơ tằm đang là sản phẩm được thu mua với giá cao và ổn định. Thế nhưng, để thay đổi ý thức cho người dân tiếp cận với cây trồng vật nuôi này, qua đó mở rộng diện tích lại không phải vấn đề dễ dàng. Người dân Đạ Long nói riêng và người đồng bào DTTS của 3 xã Đầm Ròn nói chung vẫn duy trì một số lượng lớn diện tích cà phê, nhưng lại ít đầu tư phân bón và chăm sóc nên sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế chưa cao.
|
Hiện, toàn xã Liêng S’rônh đang có hơn 455 ha cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng. Đây được kỳ vọng sẽ mang lại sự bức phá về thu nhập cho người dân trong thời gian tới |
Ông Rơ Ông Ha Doanh - Phó Chủ tịch UBND xã Liêng S’rônh cho biết, theo Quyết định số 318 ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã phải đạt dưới 13%. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn xã vẫn đang còn ở mức 20,05%, và ở thời điểm hiện tại vẫn còn xấp xỉ 15%.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Liêng S’rônh, hiện nay, đa số các trường hợp hộ nghèo trên địa bàn rơi vào các trường hợp di dân tự do, tập trung nhiều tại các Tiểu khu 179, 181, khu dân cư Đạ M’Pô, Tây Sơn. Đa phần người dân di cư tự do là đồng bào các DTTS H'Mông, Dao, Tày, Nùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hiện nay, dân di cư tự do trên địa bàn có 568 hộ/2.527 khẩu, sinh sống và sản xuất trên đất lâm nghiệp. Do đó, các hộ gia đình này chưa được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước cũng như tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế nên nhiều hộ vẫn thuộc diện hộ nghèo. Mặt khác, có một thực tế tại Liêng S’rônh, đó là số hộ nghèo nằm trong các hộ dân là người DTTS Tây Nguyên trên địa bàn xã cũng chiếm tỷ lệ khá lớn.
|
Khu dân cư Đạ M'Pô, xã Liêng S'rônh đang được huyện Đam Rông tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng |
Theo Nghị quyết về phát triển huyện Đam Rông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (khóa XI) đã ban hành, có nội dung được đề cập đó là: Đến năm 2025, hoàn thành bố trí ổn định dân di cư tại khu dân cư Đạ M’Pô, Tiểu khu 179, Tiểu khu 181 và Tây Sơn, xã Liêng S'rônh. Vì vậy, với tỷ lệ phần trăm hộ nghèo còn cao so với tiêu chí, chủ yếu nằm ở đa số các hộ dân di cư tự do, có thể được xem như một yếu tố “châm chước” để Liêng S’rônh có thể về đích đúng thời hạn.
Không riêng gì Đạ Long và Liêng S’rônh, theo UBND huyện Đam Rông, các tiêu chí nông thôn mới còn lại của các xã chưa đạt chủ yếu là tiêu chí số 11 - nghèo đa chiều, tiêu chí số 13 - tổ chức sản xuất, tiêu chí số 14 - thu nhập... Đây là những tiêu chí có nhiều điểm mới, đòi hỏi cao, nhưng hầu hết các xã lại có xuất phát điểm thấp, tích lũy trong dân còn hạn chế nên việc thực hiện các tiêu chí còn khó khăn.
Do đó, đối với 2 xã còn lại của huyện Đam Rông đang phấn đấu về đích nông thôn mới là Đạ Long, Liêng S’rônh, cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở đang tập trung mọi nguồn lực để giúp các xã cải thiện và nâng cao các tiêu chí thu nhập và giảm nghèo. Đặc biệt là hỗ trợ đồng bào các DTTS tại các xã từng bước, nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Bản quyền của Báo Lâm Đồng