Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Huyện Nam Đàn xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hoá gắn với du lịch...

Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 04/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hoá gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025”, Nam Đàn đã đạt được nhiều thành quả to lớn và dấu ấn quan trọng. Diện mạo nông thôn của Nam Đàn đã có nhiều đổi thay rõ rệt; những mô hình hiệu quả, cách làm hay xuất hiện ngày càng nhiều và có sức lan tỏa lớn.



Huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng

Để triển khai thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 913/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg và chỉ đạo huyện Nam Đàn tập trung, bám sát nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách, cơ chế và kế hoạch tổ chức thực hiện, như: Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển huyện Nam Đàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ huyện Nam Đàn phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025; trong đó quy định huyện được hưởng 100% tiền sử dụng đất; hàng năm hỗ trợ huyện Nam Đàn 3.000 tấn xi măng để nâng cấp, xây dựng đường giao thông nông thôn ngoài cơ chế hỗ trợ xi măng để xây dựng nông thôn mới chung của tỉnh. Chưa kể, hàng năm, UBND tỉnh còn bố trí ngân sách hỗ trợ huyện Nam Đàn từ 15-20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn huyện… Cấp ủy huyện Nam Đàn đã chủ động ban hành chỉ thị, UBND huyện ban hành kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 17/QĐ-TTg.

Điểm nhấn trong xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Nam Đàn là huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng từ huyện đến cơ sở. Trong đó hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng văn hóa được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên các công trình, dự án trọng điểm về văn hóa gắn với du lịch. Đến nay, tỷ lệ đường huyện, đường xã đạt chuẩn là 100%; tỷ lệ đường trục xóm, ngõ xóm đạt chuẩn 98%. Hoàn thiện các hạng mục công trình tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao & Truyền thông huyện đạt chuẩn; 100% số xã có Trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn; xây dựng 7 Trung tâm văn hóa thể thao mẫu tại 7 xóm, khối và đang tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp Trung tâm văn hóa thể thao tại các xóm, khối còn lại để đạt chuẩn theo quy định.

 

Anh-tin-bai

Con đường mẫu tại xóm 3 - Kim Liên. Ảnh sưu tầm

Đến nay, trên địa bàn huyện Nam Đàn đã hoàn thành một số công trình hạ tầng kết nối du lịch, như cảnh quan tuyến đường vào quê nội, quê ngoại Bác Hồ; đường Cầu Đòn - Chùa Viên Quang, đường ngã tư Thị trấn - khu lăng mộ vua Mai, công trình HTX với Bác Hồ tại Kim Liên... Các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng được quan tâm bảo tồn, trùng tu. Các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao, xây dựng nếp sống văn hoá được phát triển.

Xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu về “Văn hoá gắn với Du lịch”

Tại sáu xã điểm xây dựng Nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu về “Văn hoá gắn với Du lịch” đang tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, hạ tầng kết nối du lịch, đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng xóm “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, xây dựng vườn chuẩn, vườn mẫu nông thôn mới để tạo cảnh quan nông thôn sạch đẹp, có không gian xanh phù hợp, thu hút khách du lịch.

Bước đầu, trên địa bàn huyện đã hình thành được một số mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn như: Mô hình vườn thực nghiệm sinh thái tại xã Nam Giang; Trang trại hoa gắn du lịch trải nghiệm tại xã Kim Liên; Mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm tại xã Nam Nghĩa; Mô hình du lịch vườn đồi xã Nam Anh; Mô hình sinh thái trải nghiệm tại xã Nam Cát,...

 

Anh-tin-bai

Du khách đến thăm Khu Di tích Kim Liên. Ảnh sưu tầm

Bên cạnh đó, huyện Nam Đàn đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, phục vụ phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Các mô hình nhà lưới, nhà màng sản xuất rau củ quả có giá trị kinh tế cao, các vùng sản xuất rau màu tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP được duy trì và nhân rộng tại các xã: Hùng Tiến, Nam Anh, Kim Liên, Nam Phúc, Xuân Hòa, Nam Nghĩa, Nam Giang.

Huyện đã thực hiện chuyển đổi được 130 ha diện tích đất bãi cao, đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, có 30 ha sử dụng hệ thống tưới tiên tiến; chuyển trên 28 ha diện tích vùng sâu trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen để cung cấp nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ sen. Cùng với đó, huyện đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi, trong đó có 216 ha lúa năng suất cao tại 4 xã Nam Thanh, Nam Lộc, Nam Kim, Nam Nghĩa. Giá trị sản xuất năm 2021 đạt 8.546 tỷ đồng, tăng 1.712 tỷ đồng so với năm 2018. Toàn huyện có 47 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao, 38 sản phẩm 3 sao. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 57 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so với năm 2018;  Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,09%, giảm 2% so với năm 2018.

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, việc đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong lĩnh vực văn hóa gắn với du lịch được đặc biệt chú trọng. Trong thời gian qua, các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn cũng quan tâm bảo tồn, trùng tu và phát huy hiệu quả, nhất là các di tích Quốc gia đặc biệt như: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu di tích Cụ Phan Bội Châu, Đình Hoành Sơn; xây dựng, hoàn thiện công trình Đền Chung Sơn, cụm di tích Vua Mai Hắc Đế, Chùa Đại Tuệ... tạo ra nhiều điểm nhấn trong hành trình tham quan du lịch trên địa bàn.  Huyện cũng đã tích cực tham gia các hoạt động trưng bày và giới thiệu các sản phẩm, điểm đến du lịch Nam Đàn tại Hội chợ du lịch Quốc tế VITM (Hà Nội), Festival ẩm thực quốc tế 2019 và nhiều hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ khác tại Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Huế... Thông qua các hoạt động tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, hoạt động giao lưu văn hóa trên địa bàn và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh, lồng ghép tuyên tuyền, giới thiệu, quảng bá về di tích, danh lam, thắng cảnh, con người Nam Đàn...

Đến nay, 09/09 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện được giữ vững và nâng cao; 18/18 xã giữ vững xã nông thôn mới, có 05 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Kim Liên, Nam Nghĩa, Nam Anh, Nam Giang, Nam Cát); có 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (Kim Liên); các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí nông thôn mới nâng cao trở lên.  Đối với 5 tiêu chí, 42 nội dung nông thôn mới kiểu mẫu về “Văn hoá gắn với du lịch”, đã có 32/42 nội dung đạt chuẩn.

Căn cứ bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, huyện Nam Đàn phấn đấu trong năm 2022 có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã NTM kiểu mẫu. Đến năm 2024 có 100% xã NTM nâng cao, thị trấn Nam Đàn trở thành đô thị văn minh và hoàn thiện mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tiến tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch vào năm 2025.