Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chương trình xây dựng nông thôn mới làm thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn(Bắc kạn)

Xây dựng kết cấu hạ tầng được xác định là đột phá quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nên thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực để thực hiện. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến.



Hạ tầng kinh tế - xã hội nhiều chuyển biến
Giai đoạn 2011 - 2015, nguồn lực đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới có tổng vốn huy động là hơn 3.511 tỷ đồng. Trong đó, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương; ngân sách lồng ghép từ các chương trình, dự án; vốn hỗ trợ của doanh nghiệp; nguồn vốn tín dụng và vốn huy động đóng góp của nhân dân.

Với nguồn lực này, toàn tỉnh đã thực hiện 366 công trình giao thông, với 168,5km đường giao thông nông thôn; 134 công trình thủy lợi, trạm bơm; 108,8km kênh mương, bờ kè; cải tạo 105,7km đường điện; xây mới 56 trạm biến áp; xây mới, nâng cấp và sửa chữa 15 trường học; xây dựng 3 nhà văn hóa xã; 39 nhà văn hóa thôn; xây mới, cải tạo 9 chợ nông thôn; 19 điểm bưu điện; 45 trạm y tế được xây mới, sửa chữa…

ên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, trên địa bàn tỉnh có sự hỗ trợ của Dự án quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông, lâm nghiệp (Dự án 3PAD); Dự án hỗ trợ sự phát triển dài hạn của cộng đồng và thúc đẩy quyền trẻ em ChirdFund, đã xây dựng được 26 công trình giao thông; 23 công trình thủy lợi; 3 công trình nước sạch; thực hiện quy hoạch đất lâm nghiệp; xây dựng bản đồ đo giao; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… với kinh phí trên 9,7 tỷ đồng.

Đơn cử, Quân Bình là một trong những xã được tỉnh tập trung đầu tư để đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương đã được đầu tư và huy động được nguồn lực trên 52 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều công trình hạ tầng quan trọng được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Trong đó, bê tông hóa được 12,5km đường giao thông; xây dựng cơ sở vật chất trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, với kinh phí đầu tư gần 6 tỷ đồng; đầu tư cho trường mầm non hơn 12 tỷ đồng; đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn và đầu tư xây dựng hoàn thiện chợ nông thôn...

Năm 2016, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn 2016 - 2020, từ hai nguồn vốn: Trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn đầu tư phát triển Trung ương cấp 87,7 tỷ đồng. Các địa phương đã tập trung xây dựng được 249 công trình giao thông, 28 công trình nhà văn hóa thôn, 25 công trình kiên cố hóa kênh mương, 4 công trình trường học và 4 công trình thoát nước thải.

Năm 2017, là năm thứ hai với tổng kinh phí 97,4 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư phát triển, thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương, số kinh phí này, tỉnh đã thực hiện các nội dung: Đầu tư cho giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại, trạm y tế xã, công trình cung cấp nước sinh hoạt và công trình xử lý môi trường.

Đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, đã có 16 xã hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông; 70 xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi; 83 xã hoàn thành tiêu chí điện; 14 xã hoàn thành tiêu chí trường học; 9 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 85 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 37 xã hoàn thành tiêu chí thông tin truyền thông và 29 xã hoàn thành tiêu chí nhà ở dân cư... Kết quả này đã tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất, văn hóa hóa - xã hội của tỉnh.

Cần nhiều hơn các nguồn lực đầu tư

Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn trong thời gian qua đã thực sự góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương phát triển. Bước vào giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn còn rất cao, nhất là đối với các xã chưa đạt chuẩn các tiêu chí giao thông, thuỷ lợi, cơ sở vật chất văn hoá…

 
 Đường nội đồng thôn Khuổi Già, xã Rã Bản (Chợ Đồn) được đầu tư hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.  

Mục tiêu của tỉnh là đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo sự đột phá diện mạo nông thôn cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 23,6% (tương đương 26 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt trên 10 tiêu chí.

Để hoàn thành mục tiêu này, từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, cải tạo, xây dựng các cầu yếu trên các tuyến đường để các đường huyện đạt tiêu chuẩn đường cấp V - VI miền núi; đường xã đạt cấp VI miền núi hoặc giao thông nông thôn loại A và loại B cho các loại xe đi lại được 4 mùa. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cải tạo các công trình cấp điện đáp ứng đủ chất lượng, an toàn và kịp thời nhu cầu của nhân dân. Xây dựng các trạm cấp nước sạch cho phù hợp với quy mô dân số, đáp ứng tối đa nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi cho các địa bàn trọng điểm về nông nghiệp, để mở rộng diện tích canh tác và thâm canh tăng vụ.

Tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn theo Thông báo số 45 ngày 12/7/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng. Theo đó, Trung ương hỗ trợ xi măng, tỉnh hỗ trợ cát, xỏi, người dân đóng góp ngày công lao động; tạo điều kiện cho Bắc Kạn được tiếp cận với các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; huy động các tổng công ty, tập đoàn quan tâm đỡ đầu giúp đỡ tỉnh, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ ngân sách cho các xã  nghèo, xã đặc biệt khó khăn tiêu chí nông thôn mới đạt thấp, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới...

Xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu gắn với phát triển sản xuất, đời sống đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư và huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo đà đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo./.